Theo anh Lê Đức Thịnh, chủ trang trại, trong việc trồng và chăm sóc bưởi da xanh theo mô hình VietGAP, bên cạnh các vấn đề kỹ thuật thì cần chú ý đến việc thiết kế vườn, thiết kế hệ thống tưới, mật độ, khoảng cách trồng… để chất lượng trái đạt tốt nhất.
Theo đó, trong việc thiết kế vườn, hướng trồng tốt nhất là nên trồng vuông góc với hướng đông – tây. Hệ thống tưới, anh Thịnh sử dụng cho trang trại là tưới phun dưới tán. Đây là phương pháp tưới bằng cách phun nước từ dưới mặt đất lên tán cây qua hệ thống máy bơm, ống dẫn nước với các vòi phun cố định, tự động xoay được với góc 3600, được đặt cao khỏi mặt đất 0,5 mét.
Khoảng cách trồng đối với bưởi da xanh tại trang trại vườn anh là 5 x 5 mét (tương đương 400 cây/ ha). Cây giống được nhân giống bằng phương pháp ghép hoặc chiết nhánh. Đối với quy trình sản xuất VietGAP thì phải lưu hóa đơn mua cây giống và ghi đầy đủ thông tin về giống.
Đắp mô, bón lót: đắp mô trước khi trồng 4 tuần, mô có đường kính 70 cm, cao 30 cm. Bón lót gồm: 20 kg phân hữu cơ hoai + 1 kg phân super lân + 1 kg vôi + 200 g phân NPK (16-16-8) + 50 g thuốc hạt Regent. Hỗn hợp này trộn đều với lớp đất mặt, cắm cọc đánh dấu để trồng cây sau đó.
Cũng theo anh Thịnh, bưởi da xanh có thể trồng quanh năm nếu chủ động được nước tưới, tốt nhất là vào đầu mùa mưa từ tháng 5 – 7 (dương lịch). Bưởi da xanh từ khi ra hoa đến thu hoạch khoảng 7 – 8 tháng. Nên thu hoạch vào lúc trời mát và nhẹ tay, không nên thu trái sau cơn mưa hoặc có sương mù nhiều vì trái dễ bị thối khi bảo quản.
Một lưu ý hết sức cần thiết theo quy trình VietGAP trong khâu thu hoạch đó là trái khi thu hoạch được cắt cuống, lau sạch và cho vào thùng xốp, giỏ hoặc sọt tre và tuyệt đối không được để trái xuống đất. Những trái tiếp xúc với đất thì xếp riêng và được coi là sản phẩm không đạt VietGAP. Sau đó, di chuyển trái đến nơi thoáng mát để phân loại. Bưởi có thể bảo quản được 12 tuần ở nhiệt độ 120C và ẩm độ 85 – 90%.
Đánh giá về mặt hiệu quả kinh tế mà trang trại bưởi VietGAP mang lại, anh ĐứcThịnh cho biết, chi phí trồng 1 ha bưởi da xanh trong giai đoạn kiến thiết cơ bản 3 năm sẽ bao gồm 500 triệu đồng cho 400 cây giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, lao động, hệ thống tưới tiêu nước. Trong khi đó, chi phí sản xuất bưởi da xanh giai đoạn kinh doanh (năng suất ổn định, từ năm thứ 4 trở đi) sẽ chỉ còn 200.000.000 đồng.
Với mức giá bán trung bình hiện nay là 40.000 đồng/kg, năng suất trung bình 10 tấn/ha, doanh thu thu về sẽ là 400 triệu đồng. Trừ đi 200 triệu đồng bỏ ra cho giai đoạn kinh doanh, thì chủ vườn sẽ thu về lợi nhuận thuần là 200 triệu đồng/ha.
Một số lưu ý trong kỹ thuật trồng:
Trồng cây:
– Đào giữa hố một lỗ vừa bằng bầu cây.
– Dùng dao cắt đáy bầu, sau đó rạch theo chiều dọc của bầu cây và kéo bao nylon ra.
– Nhẹ nhàng đặt cây giống xuống lỗ, đặt mặt bầu ngang mặt hố, dùng tay kéo đất vào gốc cây và nén đất chặt vừa phải ngang mặt bầu.
– Sau trồng phải cắm cọc và buộc cố định cây con. Tưới nước thường xuyên ngay khi vừa trồng.
Bón phân:
Bón phân trong thời kỳ kiến thiết cơ bản:
– Phân bón hữu cơ: bón phân hữu cơ hoai mục: 10 – 20 kg/cây/năm hoặc phân hữu cơ vi sinh: 2 – 3 kg/cây/năm.
– Vôi: 1 kg/cây/năm.
– Phân bón vô cơ: NPK 20-20-15, lượng phân bón 1 kg/năm.
– Phân bón lá: phun theo tình trạng, giai đoạn và sức khỏe của cây. Có thể tiến hành phun 1 – 2 tháng/lần.
Bón phân cho thời kỳ kinh doanh:
– Phân bón hữu cơ: bón phân hữu cơ hoai mục: 20 – 30 kg/cây/năm hoặc phân hữu cơ vi sinh: 4 – 5 kg/cây/năm. Bón ngay sau khi thu hoạch.
– Vôi: 2 kg/cây/năm.
– Phân bón vô cơ: NPK 20-20-15, lượng phân bón 2 kg/năm, chia làm 4 lần.
– Phân bón lá: phun theo tình trạng, giai đoạn và sức khỏe của cây. Có thể tiến hành phun 1 – 2 tháng/lần.
Tỉa cành, tỉa trái:
Các cành tỉa bỏ: cành bị sâu bệnh gây hại nặng, cành bị chết, cành ốm yếu, cành mọc đan chéo nhau, cành mọc quá dài, cành vượt, cành rũ sát mặt đất.
Tỉa bỏ bớt những trái xấu, trái trên cao, trái đầu cành. Mỗi cây chỉ nên để 20 – 30 trái để tránh việc cây nuôi nhiều trái quá sẽ dễ bị chết.
Phòng trừ sâu, bệnh hại:
– Sâu hại, sâu vẽ bùa, các loài nhện: phun dầu khoáng hoặc thuốc trừ sâu sinh học.
– Bệnh hại: hàng năm phun 2 – 3 lần thuốc diệt nấm, khuẩn cho cây.
Khi sử dụng thuốc bảo vệ thực vật phải tuân thủ 4 đúng: đúng thuốc – đúng liều lượng – đúng thời điểm – đúng phương pháp.